4 dấu hiệu cảnh báo trẻ suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng khiến trẻ giảm đề kháng, chậm phát triển thể chất và trí não, phụ huynh cần sớm nhận biết để giúp trẻ khắc phục kịp thời.
PGS.TS.BS Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia; Giám đốc Y khoa miền Bắc - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cho biết, trẻ em ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể bị suy dinh dưỡng, tuy vậy, thường gặp nhất là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Khi bị suy dinh dưỡng, bé sẽ chậm hoặc thậm chí ngừng phát triển thể chất, trí não do cơ thể không nhận đủ năng lượng, các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống.
Phó giáo sư Lê Bạch Mai đưa ra 4 dấu hiệu cảnh báo cho thấy trẻ có thể đang bị suy dinh dưỡng, phụ huynh cần nhận biết, có biện pháp can thiệp kịp thời nhằm giúp trẻ bắt kịp đà tăng trưởng tối ưu.
Không tăng cân, chiều cao
Cân nặng, chiều cao là hai tiêu chí đầu tiên, quan trọng để đánh giá sự phát triển thể chất của trẻ. Bố mẹ có thể dựa vào bảng chiều cao, cân nặng chuẩn để theo dõi tình hình tăng trưởng của trẻ.
Nếu trẻ có dấu hiệu suy dinh dưỡng, cân nặng, chiều cao sẽ gần như đứng yên trong vòng 3 tháng. Ngoài ra, nếu cân nặng của trẻ nhỏ hơn -2SD (độ lệch chuẩn) so với cân nặng tiêu chuẩn trung bình, có chiều cao thấp hơn -2SD so với chiều cao tiêu chuẩn thì khả năng cao trẻ bị suy dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, PGS.TS.BS Lê Bạch Mai cho biết, bố mẹ có thể nhận diện trẻ suy dinh dưỡng qua các dấu hiệu như: tay chân còi cọc, lỏng lẻo do mất mô cơ, mỡ; da trở nên mỏng, khô, xanh xao; môi khô, tróc nứt; mặt xanh xao, má hóp và mắt trũng; tóc thưa và rụng nhiều; móng tay chân nhăn, lồi lõm, sọc, xốp dễ gãy...
Suy dinh dưỡng ở trẻ nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất, trí não của trẻ. Ảnh: ShutterstockChậm phát triển vận động
Tùy theo từng giai đoạn phát triển, trẻ sẽ đạt những cột mốc vận động tương ứng. Do đó, nếu trẻ chậm phát triển vận động cũng được xem là một trong những dấu hiệu cảnh báo suy dinh dưỡng. Bố mẹ có thể tự kiểm tra khả năng vận động của trẻ tại nhà nhằm bước đầu xác định tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ qua các giai đoạn phát triển.
Giai đoạn 0-3 tháng: trẻ có thể ngóc đầu dậy khi nằm sấp, xoay đầu khi nằm ngửa.Giai đoạn 3-6 tháng: trẻ biết lẫy, thị lực phát triển tốt và nhanh nhạy, trẻ rất thích thú với những đồ vật xung quanh, những đồ chơi nhiều màu sắc. Thính lực cũng phát triển, trẻ biết phản ứng lại với âm thanh.Giai đoạn 6-9 tháng: trẻ có thể ngồi vững, bò nhanh, cầm nắm đồ vật. Ngoài ra, trẻ cũng dần quen với việc ăn dặm.Giai đoạn 9-12 tháng: trẻ vận động liên tục, nhiều trẻ đã biết vịn điểm tựa để đứng lên. Trẻ cũng có thể tự xúc ăn dù còn làm rơi rớt thức ăn nhiều, tự uống nước. Bé biết chọn đồ chơi mình thích, thực hiện những hành động đơn giản khi được yêu cầu.Giai đoạn 1-3 tuổi: trẻ phát triển các kỹ năng vận động thô như chập chững những bước đầu tiên mà không cần nắm tay người khác, có thể ném bóng, kéo đẩy đồ chơi, trèo cầu thang bằng 2 tay 2 chân, đạp xe 3 bánh... và kỹ năng vận động tinh như xếp chồng hình khối, lật trang sách, cầm bút chì màu...Không hào hứng với các bữa ăn
Trẻ thường tỏ ra kém hào hứng với bữa ăn, nhìn thức ăn là khóc hoặc chạy trốn, hay nôn ói khi ăn, chỉ ăn một vài loại thực phẩm quen thuộc, không muốn thử món mới, không tập trung khi ăn uống, thời gian mỗi bữa ăn kéo dài trên 30 phút... Đây là các dấu hiệu cho thấy trẻ biếng hoặc chán ăn, kéo theo nguy cơ suy dinh dưỡng.
Lười ăn là một trong những dấu hiệu cảnh báo sớm trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng. Ảnh: ShutterstockMệt mỏi, cáu gắt
Một trong những dấu hiệu cảnh báo trẻ suy dinh dưỡng là trẻ luôn cảm thấy mệt mỏi, kém năng động, lười chơi chung với bạn bè, chỉ thích ngồi chơi một mình hoặc nằm, thờ ơ với mọi người và sự việc xung quanh...
Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng nặng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, chậm lớn, suy giảm sức đề kháng hoặc thậm chí tử vong. Bố mẹ không nên chủ quan khi trẻ hay mắc phải các bệnh hô hấp, rối loạn tiêu hóa, rối loạn giấc ngủ, hay đau ốm, mắc các bệnh lý nhiễm trùng, lâu lành các vết thương... Đây là những nguy cơ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng.
Ngoài ra, một số dấu hiệu do thiếu vitamin, khoáng chất cũng có thể cảnh báo tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ như: thiếu vitamin A dẫn đến khô mắt, quáng gà, tăng nguy cơ giảm thị lực và nhiễm trùng; thiếu sắt có thể gây suy giảm chức năng não, các vấn đề về điều hòa thân nhiệt, dạ dày; thiếu kẽm là chán ăn, còi cọc, chậm lành vết thương, đau bụng, tiêu chảy; thiếu iốt gây phì đại tuyến giáp vì phải tăng hoạt động để tiết hormone.
"Những dấu hiệu kể trên là cơ sở bước đầu để ba mẹ đánh giá tình trạng sức khỏe của trẻ, từ đó, kịp thời đưa trẻ đi khám, có những chỉ định xét nghiệm chuyên sâu", phó giáo sư Lê Bạch Mai nhấn mạnh.
Các nguyên nhân chính khiến trẻ hấp thu dưỡng chất, năng lượng ít hơn năng lượng tiêu hao là trẻ bị nhiễm trùng, mắc các dị tật liên quan đến hệ tiêu hóa, chế độ dinh dưỡng cho trẻ chưa phù hợp... Trẻ suy dinh dưỡng nếu không được nhận biết sớm, kéo dài sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển thể lực, trí tuệ, hành vi, khả năng học tập của trẻ hiện tại cũng như khi trưởng thành.
Khi có các dấu hiệu trên, phụ huynh có thể cho trẻ đến bác sĩ thăm khám, xét nghiệm để được tư vấn và có hướng điều trị phù hợp bằng chế độ dinh dưỡng tương ứng.
Ngữ Yên Trở lại Sức khỏeTrở lại Sức khỏeChia sẻ ×Hợp tác bởi
Tags:dinh dưỡng
chăm sóc sức khỏe
bảo vệ cơ thể
Tin cùng chuyên mục