15/05/2023 10:34

Anh thực dụng hơn với Trung Quốc

 

Anh thực dụng hơn với Trung Quốc

Ngoại trưởng Anh James Cleverly gặp nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị vào tháng 9-2022 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc - Ảnh: CGTN

Trongcách tiếp cận mới với Trung Quốc, nước Anh nhìn thấy những lợi ích quốc gia từ việc hợp tác với Bắc Kinh và cũng sẵn sàng thách thức những lĩnh vực đụng đến giá trị của họ.

3 trụ cột trong cách tiếp cận mới

"Sẽ dễ dàng hơn cho tôi và có thể khiến nhiều người hài lòng khi tuyên bố một cuộc chiến tranh lạnh mới nào đó và nói rằng mục tiêu của nước Anh là cô lập Trung Quốc.

Nhưng đó sẽ là một sai lầm, một sự phản bội lợi ích quốc gia và hiểu lầm có chủ ý về thế giới hiện nay nếu tôi nói như vậy", Ngoại trưởng Anh Cleverly khẳng định trong bài phát biểu chính sách quan trọng hồi cuối tháng 4 vừa qua.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Anh nhấn mạnh London không thể gói gọn mối quan hệ với Bắc Kinh trong một từ "đối tác", "đối thủ" hay "mối đe dọa".

Theo ông, việc xác định cách tiếp cận bằng cách chọn một trong ba danh từ trên là "không thể" và "không khôn ngoan" vớinước Anh hiện tại.

Giải thích thêm, ông Cleverly chỉ ra lịch sử hàng ngàn năm của Trung Quốc với những thành tựu có tầm ảnh hưởng nhân loại.

Trung Hoa đã nhiều lần tan rồi lại hợp trong suốt chiều dài lịch sử, và mỗi lần như thế đất nước này lại trỗi dậy một cách mạnh mẽ.

Phương Tây ngày nay không nhất thiết phải trở thành tù nhân của cái gọi là "Bẫy Thucydides" - một thuật ngữ của nhà khoa học chính trị người Mỹ Graham Allison, trong đó kết cục không thể tránh khỏi giữa một cường quốc mới trỗi dậy và cường quốc đã khẳng định được chỗ đứng của mình là chiến tranh.

"Từ bỏ đối thoại với Trung Quốc có nghĩa là từ bỏ việc giải quyết những vấn đề lớn nhất của nhân loại. Tệ hơn nữa, chúng ta sẽ bỏ qua những sự thật nổi bật, quan trọng đối với sự an toàn và thịnh vượng của nước Anh", ông Cleverly nêu vấn đề.

Đó là vấn đề biến đổi khí hậu, là nguồn nguyên liệu lớn nhất thế giới cho dược phẩm, là kho dữ liệu sức khỏe và nhiều vấn đề khác. Những điều này là cơ sở để Anh đề ra ba trụ cột trong cách tiếp cận mới với Trung Quốc dưới thời Thủ tướng Sunak.

Trụ cột thứ nhất: tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia của mình ở bất cứ nơi nào mà hành động của Bắc Kinh gây ra mối đe dọa cho người dân hoặc sự thịnh vượng của nước Anh.

Thứ hai, Anh sẽ tăng cường hợp tác và liên kết với bạn bè, đối tác ởẤn Độ Dương - Thái Bình Dươngvà trên toàn thế giới.

Và trụ cột thứ ba: hợp tác với Trung Quốc, cả song phương lẫn đa phương, để duy trì và tạo ra các mối quan hệ cởi mở, mang tính xây dựng và ổn định, phản ánh tầm quan trọng toàn cầu của Trung Quốc.

Liên tục điều chỉnh

Trao đổi với Tuổi Trẻ về bài phát biểu của Ngoại trưởng Cleverly, Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew cho biết cách tiếp cận của London đối với Bắc Kinh đã liên tục được điều chỉnh dựa trên thực tế phát triển trong khoảng 10 năm qua.

Ông nhấn mạnh cách tiếp cận của Anh không phải là đặt ra yêu cầu chọn phe hay kiềm chế Trung Quốc mà để khiến Bắc Kinh hành xử một cách có trách nhiệm hơn, giữ đúng những cam kết quốc tế.

"Việt Nam có lịch sử và kinh nghiệm phát triển quan hệ cũng như xử lý quan hệ với nước láng giềng phương Bắc lâu đời, một lịch sử lâu đời hơn nhiều so với Anh.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng Việt Nam có lẽ biết rất rõ lợi ích của chính mình và cách tiếp cận của riêng mình. Và tôi tin Việt Nam có cách tiếp cận rất cân bằng để phát triển quan hệ cả với Trung Quốc, với các đối tác quốc tế khác và với Anh", đại sứ Anh nêu.

Theo ông Iain Frew, không ai dự đoán trước được thế giới vài chục năm tới sẽ ra sao, quốc gia nào sẽ vươn lên chỉ huy thế giới. Tuy nhiên, một điều khá rõ là Trung Quốc hiện nay đãcó sự ảnh hưởng lớn, ví dụ như đầu tư hay sức mạnh quân sự ngày một tăng.

"Trung Quốc có thể sẽ trở thành một quốc gia rất hùng mạnh trong tương lai bằng cách này hay cách khác, chúng ta cần sẵn sàng cho điều đó. Và tôi nghĩ một cách tiếp cận khôn ngoan là cách tiếp cận có tính đến sức mạnh của trái tim, sức mạnh kinh tế, quyền lực mềm, sức mạnh của liên minh và hợp tác", đại sứ Anh nêu viễn cảnh.

Theo ông, không chỉ Anh, nhiều quốc gia khác cũng xem Trung Quốc là trung tâm trong chính sách đối ngoại. Nhưng điều đó sẽ không bất biến, bởi nó phụ thuộc vào các quyết định của Bắc Kinh.

"Giới lãnh đạo Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc có các lựa chọn cho tương lai về cách họ muốn phát triển mối quan hệ với bên ngoài. Họ cũng có các lựa chọn để xây dựng quan hệ đối tác tích cực. Và tôi thực sự hy vọng họ sẽ nắm lấy những cơ hội đó", Đại sứ Iain Frew chia sẻ.

CPTPP và lá phiếu của London

Khi được hỏi về quyết định của Anh đối với các đơn gia nhập CPTPP, trong đó có Trung Quốc, Đại sứ Iain Frew tỏ ra thận trọng. Ông nhấn mạnh London hiện chưa phải là một thành viên chính thức của CPTPP, song đến một lúc nào đó nước Anh sẽ phải đối diện với những lựa chọn ấy.

Đại sứ Anh chia sẻ có những nguyên tắc mà nước này sẽ giữ vững khi đứng trước việc xét duyệt. Thứ nhất, CPTPP là một khối dựa trên sự đồng thuận khi kết nạp các thành viên mới. Thứ hai, CPTPP có những tiêu chuẩn cao và Anh muốn nhóm tiếp tục giữ các tiêu chuẩn đó khi xem xét các đơn xin gia nhập.

Tags:

anh

trung quốc

thủ tướng anh

quan hệ anh - trung quốc

ngoại trưởng anh

Tin cùng chuyên mục