21/04/2023 11:50

Có gì độc đáo để dịch lại 'Thép đã tôi thế đấy'?

 

Có gì độc đáo để dịch lại 'Thép đã tôi thế đấy'?

Cuốn tiểu thuyết "Thép đã tôi thế đấy" vừa được dịch giả Đào Minh Hiệp dịch lại, Nhà xuất bản Văn Học ấn hành - Ảnh: DUY THANH

Tuổi Trẻ Onlinecó cuộc trò chuyện với nhà văn, dịch giảĐÀO MINH HIỆP.

Thép đã tôi thế đấy đầy đủ, nhiều màu sắc

* Điều gì thôi thúc ông dịch lại cuốn tiểu thuyếtThép đã tôi thế đấyvốn đã quá nổi tiếng, được tái bản nhiều lần?

- Tôi không có ý định dịch lại Thép đã tôi thế đấy vì như bạn biết, đã có nhiều bản dịch trước đó rồi.

Nhưng năm 2022, tôi nhận được cuộc gọi của chị Đặng Thị Hà ở Nhà xuất bản Văn Học, đề nghị tôi dịch lại cuốn tiểu thuyết này của Ostrovsky.

Nhà xuất bản thống nhất với tôi rằng không dịch lại tác phẩm này theo hình thức lược dịch hay rút gọn chỉ hơn 100 trang như trước, mà phải tìm được bản gốc đầy đủ của tác phẩm.

Tôi dành thời gian tìm hiểu và bằng các mối quan hệ của mình, cuối cùng cũng liên lạc được với người đang giữ bản quyền của bản gốc Thép đã tôi thế đấy ở Nga.

Ban đầu, họ nói không biết tôi là ai, nên phải tìm hiểu rồi trả lời sau. Khoảng 1 tuần sau đó, họ gửi bản gốc cho tôi, chấp nhận cho tôi được dịch tác phẩm này với điều kiện chỉ dịch ra tiếng Việt, xuất bản trên thị trường sách ở Việt Nam và không giao bản gốc cho bất kỳ ai.

Nhà xuất bản Văn Học đồng ý với đề nghị này của phía giữ bản quyền.

Sau khi có đầy đủ bản gốc từ nguyên tác tiếng Nga, tôi dành thời gian để chuyển ngữ cuốn sách này, đến cuối năm 2022 thì xong bản thảo, Nhà xuất bản Văn Học in ngay trong năm.

Điều khác biệt lớn nhất và khiến tôi bất ngờ là nếu trong các bản dịch trước đây thường khá ngắn gọn, chủ yếu là về Cách mạng Tháng Mười Nga và tình yêu đôi lứa trong bối cảnh cách mạng, thì bản gốc dày 600 trang của tiểu thuyết này có nhiều nội dung hấp dẫn hơn.

Đó là tác phẩm phản ánh toàn bộ bối cảnh cuộc sống của Liên bang Xô viết sau Cách mạng Tháng Mười, trong đó có những thành tựu, ưu điểm cũng như những mặt trái, như về công tác cải tạo công thương nghiệp, đánh đổ tư sản mại bản, cải cách ruộng đất…

Bản dịch mới, đầy đủ từ nguyên tác tiếng Nga 'Thép đã tôi thế đấy' được ấn hành lần này phản ánh đầy đủ và khách quan bản chất cuộc sống, xã hội của Liên bang Xô viết thời kỳ đó. Bức tranh không chỉ toàn màu hồng mà còn có nhiều sắc màu khác nữa.

Nhà văn, dịch giả ĐÀO MINH HIỆP

Trả ơn cho Liên Xô

* Nhưng nhiều "cây đa, cây đề" đã dịch tác phẩm này ra tiếng Việt rồi, ông có tin bản dịch mới của mình hấp dẫn được bạn đọc không, nhất là trong không khí văn chương đương đại?

Có gì độc đáo để dịch lại 'Thép đã tôi thế đấy'?

Nhà văn, dịch giả Đào Minh Hiệp - Ảnh: DUY THANH

- Trong văn học dịch, có những tác phẩm được dịch lại nhiều lần là điều bình thường. Tôi thấy trường hợp này củaThép đã tôi thế đấycũng giống nhưSông Đông êm đềmtrước đây.

Ban đầu, Sông Đông êm đềmcũng chỉ dịch gọn 2 tập thôi, nhưng sau đó được dịch lại đầy đủ đến 8 tập và bản đầy đủ cuốn hút người đọc biết bao nhiêu.

Cá nhân mình, tôi không dám vượt qua "các đỉnh núi" dịch thuật, mà chỉ cố gắng hết sức với đam mê của mình là văn học, đặc biệt là văn học Nga, cũng là để trả ơn cho Liên Xô - đất nước mà tôi từng học đại học và trưởng thành.

* Nói vậy, nghĩa là ông vẫn tiếp tục dành thời gian dịchvăn học Nga?

- Tôi đã 73 tuổi, đã chuyển ngữ hơn 20 tác phẩm của tác giả các nước từ tiếng Nga ra tiếng Việt, chủ yếu là các tiểu thuyết Nga. Giờ tôi vẫn giữ nguyên đam mê ấy.

Cuốn mới nhất tôi vừa in là tiểu thuyết Thành phố Khuramabad của nhà văn Nga Andrey Volos (Giải thưởng quốc gia Liên bang Nga năm 2000). Cuốn tiểu thuyết này phản ánh đầy đủ, chân xác về tình trạng nước Nga từ khi chính quyền Xô viết được thành lập cho đến khi tan rã vào năm 1992.

Khi sách mới xuất bản, cũng có một số bạn đọc phản ứng, nhưng sau đó được trao giải thưởng. Tôi quyết định chuyển ngữ tác phẩm này sang tiếng Việt và được Nhà xuất bản Lokid (Nga) in ngay tại Nga theo Hiệp định Xuất bản văn học giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Hiện Nhà xuất bản Văn Học cũng đã có kế hoạch xuất bản cuốn sách này tại Việt Nam.

Người dịch phim Người giàu cũng khóc...

Nhà văn, dịch giả Đào Minh Hiệp sinh năm 1950, quê quán tại Bình Định, nhưng phần lớn thời gian sinh sống, làm việc tại quê mẹ Phú Yên.

Ông chuyển ngữ nhiều tiểu thuyết của các nhà văn nước ngoài từ tiếng Nga sang tiếng Việt. Trong đó, tác phẩm Cuộc chiến đi qua của nhà văn Nga Kanta Ibragimov do ông dịch được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng văn học dịch năm 2015.

Một số tác phẩm văn học chính mà Đào Minh Hiệp đã dịch: Đức mẹ mặc áo choàng lông, Sếu đầu mùa, Khát vọng đổi đời, Thám tử buồn, Tiểu thư Vichtoria, Thế giới trẻ em, Nô lệ của tình yêu…

Ông cũng là người dịch một số phim truyền hình nhiều tập thu hút khán giả như: Người giàu cũng khóc, Trở lại Êđen, Nicơlơt Nichcơnbi, Đế chế, Những cuộc phiêu lưu của con tuấn mã…

Tags:

văn học nga

thép đã tôi thế đấy

đào minh hiệp

dịch giả

nhà văn

cuộc chiến đi qua

người giàu cũng khóc

văn học dịch

sách và văn hóa đọc

Tin cùng chuyên mục