Công trình Sài Gòn hơn 100 năm trước qua ống kính người Pháp
Cảng Sài Gòn, chợ Gò Vấp, lăng Cha Cả cuối thế kỷ 19 cổ kính trong bộ sưu tập ảnh của bác sĩ Pháp J. C. Baurac.
Một góc chợ Gò Vấp cuối thế kỷ 19 được giới thiệu trong sách "Nam Kỳ và cư dân" của J. C. Baurac - bác sĩ thuộc địa người Pháp từng đến Việt Nam vào giai đoạn này. Hình thành từ năm 1897, chợ Gò Vấp là một trong bốn chợ cổ nhất Sài Gòn - Gia Định xưa. Theo tài liệu "Lịch sử Gò Vấp và TP HCM" (đăng trên cổng thông tin điện tử quận Gò Vấp), nguồn gốc của địa danh là do ở nơi gò cao này có một rừng cây vắp bao phủ, người xưa ghép nối lại thành Gò Vắp, lâu ngày truyền tụng nói trại đi thành Gò Vấp.
Tác phẩm nằm trong bộ sách gồm hai cuốn của J. C. Baurac, chia làm hai phần - miền Đông và miền Tây Nam kỳ, phát hành trong nước hồi giữa tháng 3. Ảnh trong sách do Baurac tự chụp hoặc sưu tầm từ các nhiếp ảnh gia.
Lăng Cha Cả ngày trước vốn là khu lăng mộ rộng 2.000 m2, được xây để thờ cúng giám mục Bá Đa Lộc, người xưa gọi là "Cha Cả". Ông quốc tịch Pháp, sinh năm 1741, tên là Pierre Pigneaux. Ông từng qua Việt Nam truyền giáo, phò tá Nguyễn Ánh đánh nhà Tây Sơn, được Nguyễn Ánh trọng vọng, coi như bậc công thần. Kiến trúc mộ được xây theo kiểu truyền thống người Việt, kín như một cái đình với bình phong, nơi bái đường và hậu cung.
Sang thế kỷ 20, khu vực quanh Lăng Cha Cả dần phát triển, nhà được xây cất nhiều, khu trung tâm Sài Gòn mở rộng ra ngoại vi. Sau năm 1975, lăng được giải tỏa để mở rộng lối đi, phục vụ phát triển đất nước. Di cốt của giám mục Bá Đa Lộc được giao lại cho Tổng Lãnh sự Pháp đưa về nước.
Tòa nhà Tổng nha quan thuế vào cuối thế kỷ 19 là một trong những công trình nổi bật của trung tâm đô thị. Công trình này hiện trở thành trụ sở Cục Hải quan TP HCM, nằm trên đường Hàm Nghi (quận 1).
Cảng Sài Gòn tấp nập tàu thuyền qua lại để giao thương. Trong sách, Baurac viết: "Ở lối vào thành phố, chỗ góc sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé là bến đậu của tàu khách hãng Messageries Maritimes, kết nối với Sài Gòn bằng một cây cầu sắt khổng lồ bắt qua rạch Bến Nghé".
Tòa đại hình Sài Gòn là công trình xây từ năm 1881, đến năm 1885 thì hoàn tất, do Foulhoux và Bourard thiết kế. Năm 1898, tòa nhà đổi thành Tòa hình sự Sài Gòn kiêm Tòa Thượng thẩm Đông Dương. Nơi đây hiện là Tòa án Nhân dân TP HCM, nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1), vẫn giữ được nét cổ kính của một công trình 140 năm tuổi.
Một góc bãi thả hươu trong Sở thú Sài Gòn - nay là Thảo Cầm Viên, vườn thú lâu đời thứ tám trên thế giới. Năm 1864, Đề đốc De La Grandière xây dựng Vườn Bách Thảo. Ông cho mở mang 12 hecta vùng đất hoang ở phía Đông Bắc rạch Thị Nghè để làm nơi nuôi thú và ươm cây. Một năm sau, vườn thú đã cơ bản được hình thành với một số chuồng trại. Thời điểm đó, công viên có 509 loài động vật, trong đó có 120 loài thú, 344 loài chim, 45 loài bò sát...
Bệnh viện Quân sự (tiếng Pháp là Hôpital militaire) được thành lập năm 1862, khi quân đội Pháp mới xâm chiếm Nam Kỳ. Cấu trúc các tòa nhà trong khuôn viên đều là sườn sắt tiền chế, đem ráp lại trên nền bằng đá, mọi vật liệu được mang từ Pháp sang. Từ năm 1978, công trình được đổi tên thành Bệnh viện Nhi đồng 2.
Một góc Nhà thờ Đức bà Sài Gòn - công trình được Baurac miêu tả đẹp bậc nhất Sài Gòn lúc bấy giờ. Lúc mới hoàn thành năm 1882, nhà thờ chưa có tháp chuông. Hai tháp chuông nhọn cao hơn 57 m được bổ sung vào năm 1895, suốt thời gian dài trở thành điểm cao nhất thành phố. Lúc đó, những du khách đến Sài Gòn bằng đường biển, từ xa đều trông thấy nóc nhà thờ trước tiên.
Trong sách, Baurac đúc kết: "Nam Kỳ là một trong những xứ sở tốt nhất để sống nhưng nó rất đắt đỏ. Ở Sài Gòn, thành phố đích thực của công chức, không có căn hộ sẵn tiện nghi, mà là những khách sạn dành cho người độc thân và những ngôi nhà trống dành cho người khác... Chung quy, cuộc sống ở đây khá vui vẻ, nhưng sau một thời gian rất ngắn, người ta mệt mỏi với vô vàn các món ăn được phục vụ để làm ngon miệng. Chẳng mấy chốc, người ta đi ăn quán, sau đó về khách sạn và cứ như thế. Tiền trọ, cơm tháng khoảng 150 đến 160 franc mỗi tháng".
Sách cũng miêu tả chân dung, tập quán người Sài Gòn - Gia Định lúc bấy giờ. Áo dài ngũ thân được ưa chuộng vào thế kỷ 19. Trang phục gồm hai khổ vải được may nối nhau thành thân trước theo phong cách kín đáo. Bốn thân áo bên ngoài tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu: cha mẹ mình và cha mẹ người thương, thân áo thứ năm đại diện cho người mặc. Áo luôn có năm cúc, thể hiện đạo lý làm người: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Một phụ nữ mặc đồ tang ở miền Nam xưa.
Hai bìa sách của J. C. Baurac khi đặt cạnh tạo thành bản đồ miền Nam thế kỷ 19. Ange Eugène Nicolaï - phó thống đốc Nam Kỳ giai đoạn 1897-1898 từng đánh giá về sách: "Tôi đã đọc đi đọc lại cuốn sách của ông. Những chi tiết nhỏ nhất đã được nắm bắt và trình bày bằng sự sinh động và xác tín của người đã chứng kiến, tham gia (...) cũng như những tiến bộ thành tựu và rồi tìm ra điểm thu hút độc giả cho tác phẩm của mình".
Tam Kỳ (ảnh: J. C. Baurac, trích sách Nam Kỳ và cư dân)Trở lại Giải tríTrở lại Giải tríChia sẻ ×
Tags:Cảng Sài Gòn
chợ Gò Vấp
lăng Cha Cả
Sài Gòn xưa
Tin nóng
Sản phẩm
Bối cảnh
Tin cùng chuyên mục