Nghiên cứu hộ chiếu vắc xin và mở đường bay quốc tế
TTO - Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng "hộ chiếu vắc xin" và giao thương có sự kiểm soát.
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, áp dụng hộ chiếu vắc xin và mở đường bay quốc tế - Ảnh: Chinhphu.vn
Yêu cầu được nêu ra tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia và các địa phương về phòng chống dịch COVID-19 ngày 17-3 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Theo Thủ tướng, đợt dịch vừa qua đã xác định được mức độ nguy hiểm, sớm kích hoạt được hệ thống phòng dịch và có giải pháp phù hợp, phát động được công cuộc phòng chống dịch trong toàn dân.
Tuy vậy, cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 chưa kết thúc, nên Thủ tướng nhấn mạnh không được chủ quan. Vì vậy, bài học đặt ra là sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn, quyết liệt, kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự cố gắng của hệ thống chính trị với quan điểm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là hàng đầu. Công tác phòng chống dịch cũng đặt ra yêu cầu tự chủ, tự cường, nỗ lực vượt khó, đoàn kết ở mọi cấp, phát huy vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch trong phòng, chống dịch bệnh gắn với chú trọng hợp tác quốc tế. Trước yêu cầu thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu phải "khéo léo, kịp thời", bình tĩnh. Theo đó, ông yêu cầu các cấp ngành tập trung phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội với gói an sinh thứ hai; tiếp tục thực hiện giải pháp về tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư...
"Một bộ phận người dân, doanh nghiệp, nhất là vận tải, dịch vụ, du lịch rất khó khăn. Không chỉ thấy thành tích mà còn thấy những tồn tại, bất cập trong xã hội, một bộ phận người dân đang thiếu việc làm. Chúng ta tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ bổ sung, đưa chính sách phù hợp, phục hồi những ngành bị ảnh hưởng, đặc biệt là du lịch và hàng không", Thủ tướng phát biểu.
Bộ Y tế được yêu cầu tổ chức thực hiện tốt tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, đúng đối tượng, tiếp cận nguồn vắc xin khác nhau, đánh giá kỹ mức độ an toàn, nghiên cứu vắc xin sử dụng trong nước vào năm 2022. Xem xét các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp khi triển khai áp dụng "hộ chiếu vắc xin". Trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin của AstraZeneca sức khỏe ổn định, chưa có ca bị đông máuĐối với vấn đề phản ứng sau tiêm vắc xin AstraZeneca, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay đến cuối giờ chiều 16-3, Việt Nam đã tiêm chủng cho tổng cộng 20.695 cán bộ, nhân viên y tế, có 4.078 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm. Số phản ứng nặng chỉ có 5 người phản vệ độ 2 và 1 trường hợp phản vệ độ 3. Các trường hợp này được xử lý và đều đã ổn định sức khoẻ.
"Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế tiến hành tiêm vắc xin COVID-19 phải vừa tiêm, vừa theo dõi đánh giá một cách cẩn trọng và an toàn. Trường hợp độ 3 này là do công tác cấp cứu không thực hiện theo phác đồ của Bộ Y tế. Chúng tôi đã cử các chuyên gia tới chấn chỉnh cơ sở tiêm này để thực hiện tốt trong thời gian tới", ông Long nhấn mạnh.
Trước thông tin về các trường hợp trên thế giới bị đông máu sau tiêm vắc xin AstraZeneca, Bộ Y tế đã liên tục đánh giá, theo dõi. Theo đó, đến nay Việt Nam không có bất cứ trường hợp nào bị đông máu sau tiêm.
Bộ trưởng khẳng định vẫn yêu cầu tất cả các cơ sở y tế tiếp tục tập huấn cho các cán bộ y tế, đồng thời tổ chức các điểm tiêm, cơ sở tiêm phù hợp, an toàn. Tới đây, các cơ sở y tế tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin COVID-19".
Nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn thường trực ở Việt Nam
TTO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài trong 1-2 năm tiếp theo.
N.AN
Tags:hộ chiếu vắc xin;vắc xin covid-19;mở đường bay quốc tế
Tin cùng chuyên mục